Mô hình giáo dục STEM – phương pháp giáo dục 4.0
Ngày 27/03/2023 | 414 lượt xem
Hệ thống giáo dục tại Việt Nam vẫn đang cập nhật liên tục những mô hình giáo dục thông minh và mang lại tính ứng dụng cao. Thông qua đó, có thể đào tạo thêm nhiều “nhân tài” cho đất nước trong tương lai. Một trong số đó là mô hình giáo dục STEM. Vậy, mô hình giáo dục STEM là gì, áp dụng như thế nào và hiệu quả ra sao. Hãy đọc ngay bài viết bên dưới nhé!
1. Mô hình giáo dục STEM là gì?
STEM là một trong các mô hình giáo dục tiên tiến đang được Việt Nam quan tâm và áp dụng tại các trường học phổ thông. Mô hình này đề cao việc giúp học sinh kết hợp giữa kỹ năng và kiến thức học được vào đời sống hàng ngày.
STEM được viết tắt thông qua 4 chữ cái tiếng Anh chính với 4 lĩnh vực gồm: Science (khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Math (toán học). Những lĩnh vực này học sinh thường cảm thấy rất khó học. Tuy nhiên, qua mô hình giáo dục STEM sẽ biến hóa những môn học “khô khan” này trở nên thật thú vị.
2. Ý nghĩa của mô hình giáo dục STEM
Mô hình giáo dục thông minh STEM có nhiều ý nghĩa lớn trong việc giảng dạy các em học sinh, cụ thể như sau:
2.1 Giúp học sinh có được kiến thức tích hợp
STEM được định hướng hội tụ đủ 3 yếu tố: đa ngành, liên ngành và xuyên ngành. Những môn học sẽ được liên kết với nhau không chỉ kiến thức cơ bản mà khi thực hành, các em học sinh phải vận động trí não của mình hết mức để gắn kiến thức từ môn học này và môn học khác để giải quyết vấn đề mà giáo viên đưa ra.
Thông qua những việc mà giáo viên giao cho học sinh thực hiện trong buổi học, các em sẽ có thêm nhiều cơ hội tiếp xúc với những vấn đề trong cuộc sống thực tiễn, sau này nếu gặp phải những tình huống này, các em có thể tự tin giải quyết và cảm thấy không quá áp lực để vượt qua.
2.2 Rèn luyện khả năng tự giải quyết vấn đề
Khi giáo viên giảng dạy, họ không chỉ đơn giản là truyền đạt kiến thức mà còn chỉ dẫn, đưa ra ví dụ minh họa hay những buổi thảo luận về cách ứng dụng những kiến thức vừa mới học được vào cuộc sống.
Ở nền giáo dục tại Việt Nam, thông thường các trường chỉ giảng dạy lý thuyết, sau đó sẽ giao bài tập về nhà cho các em trong sách bài tập, sách tham khảo thêm. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là vận dụng lý thuyết vào bài tập đơn giản, chưa thật sự đưa các em vào môi trường thực tiễn để giải quyết.
Mô hình giáo dục STEM giúp thay đổi nhận thức về việc học toán, kỹ thuật, công nghệ,… thường là những môn học thuật nhàm chán, không thể đem vào thực tiễn. Cụ thể, học sinh sẽ nhận ra những môn học này đều rèn luyện khả năng giải quyết những khó khăn trong cuộc sống một cách hiệu quả nếu biết cách sử dụng chúng.
2.3 Giúp nâng cao tinh thần sáng tạo của học sinh
Với nhịp sống hiện đại như ngày nay, sự sáng tạo được đánh giá cao cả trong học tập và công việc. Sự sáng tạo góp phần không ít trong việc phát triển tư duy của các em và tạo nên sự khác biệt so với những bạn đồng trang lứa khác. Điều này giúp các em có thêm nhiều cơ hội tốt khi làm việc trong tương lai.
Tuy nhiên, các trường phổ thông thường giảng dạy theo hướng học học thuật hay khuôn mẫu. Hiểu rõ điều này, mô hình giáo dục STEM khuyến khích học sinh sáng tạo, tự mình xử lý những vấn đề sao cho hợp lý. Từ đó, học sinh có thể tăng khả năng tư duy, nhận thức sự việc và tìm ra cho mình phương pháp học tập hiệu quả.
2.4 Tạo hứng thú cho học sinh khi học
Trong quá trình học, các em được vừa chơi vừa học, việc này giúp học tập thú vị và hiệu quả nhanh. Bên cạnh đó, các em buộc phải tự mình tìm phương hướng giải quyết và kích thích sự tò mò muốn học hỏi thêm.
Không những vậy, các em sẽ được tương tác trực tiếp nhiều hơn với giảng viên của mình. Nếu có khúc mắc chưa hiểu rõ đều được giảng viên hỗ trợ tìm hướng giải quyết phù hợp.
3. Mô hình dạy học 5E trong giáo dục STEM
Mô hình dạy học 5E được đánh giá là hiệu quả nhất trong tất cả các mô hình khác thuộc STEM. Có 5 giai đoạn bao gồm: Engage (gắn kết), Explore (khảo sát), Explain (giải thích) và Evaluate (đánh giá). Các em sẽ đi qua từng bước một, cuối cùng là tự rút ra kinh nghiệm, kiến thức và giá trị mà các em đã hiểu được
Engagement (gắn kết)
Giai đoạn đầu tiên này, giảng viên sẽ tìm hiểu lượng kiến thức cũ được các em nắm bắt như thế nào. Như vậy, sẽ tùy vào mức độ nắm bài mà giáo viên sẽ có cách truyền đạt kiến thức khác nhau bằng việc tạo ra những buổi học giúp học sinh nhận ra kiến thức nào mình đang gặp không ổn, không đúng. Sau đó, liên kết kiến thức mới cùng những kiến thức cũ để các em có thể sàng lọc lại trong trí nhớ của mình luồng thông tin chuẩn xác hơn.
Với mô hình giáo dục STEM, học sinh có thể tự tin thể hiện quan điểm của mình với giảng viên nhằm tăng sự gắn kết. Có như vậy, học sinh sẽ chủ động học hỏi những điều gì còn chưa hiểu, chưa rõ và thầy cô sẽ đưa ra lời giải đáp thích hợp.
Exploration (khảo sát)
Mô hình giáo dục STEM luôn hiểu rằng “Học không bằng hành”. Chính vì vậy, học sinh luôn được quan sát, miêu tả, thiết kế, phân tích thông tin và trực tiếp thực hiện các cuộc thí nghiệm. Việc vận dụng ngay kiến thức mình vừa học được sẽ giúp các em nhớ lâu, hiểu sâu hơn so với giảng dạy truyền thống.
Explanation (giải thích)
Giảng viên luôn tổng hợp kiến thức nhằm giúp học sinh có cái nhìn bao quát, nắm được khung cấu trúc kiến thức mình học. Vì chỉ khi nắm được bố cục, các em mới có thể in sâu kiến thức đó vào trí nhớ của mình như một dạng “mạng lưới” mà thầy cô đã vẽ cho mình.
Trong lúc học, học sinh được khuyến khích đặt câu hỏi, chia sẻ góc nhìn của mình về những gì vừa được trải nghiệm. Đây cũng là cách rất hiệu quả để giáo viên biết được các em có thật sự hiểu bài hay không. Bên cạnh đó, việc chia sẻ góc nhìn như cách các em giảng dạy lại cho người khác, phải nắm bắt được chi tiết mới có thể nói rõ ràng được.
Elaborate (áp dụng)
Nếu chỉ học mà không có các hoạt động đi kèm thật sự khiến các bạn học sinh cảm thấy nhàm chán. Vì vậy, giáo viên áp dụng mô hình giáo dục STEM luôn tổ chức những cuộc thảo luận nhóm, các trò chơi nhỏ giải trí lồng ghép vào bài học. Điều này, giúp học sinh hình dung được khi gặp những khó khăn tương tự trong cuộc sống thì nên suy nghĩ như thế nào, cách ứng xử và thái độ ra sao để giải quyết ổn thỏa nhất có thể.
Các chương trình được thầy cô tổ chức còn giúp các em xây dựng tình đoàn kết, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp,… rất cần thiết trong học tập và làm việc sau này. Bởi cá nhân sở hữu càng nhiều kỹ năng mềm chắc chắn sẽ càng nhận được sự tôn trọng và quý mến từ mọi người.
Evaluate (đánh giá)
Việc đánh giá là giai đoạn cuối cùng và cũng là giai đoạn quan trọng nhất trong mô hình 5E. Giáo viên sẽ quan sát trong toàn bộ quá trình học, các em có đưa ra ý kiến, sáng tạo nào đột phá không. Tỷ lệ các em hiểu bài, tốc độ hiểu, khả năng nhìn thấu vấn đề, mặt trái của vấn đề đó như thế nào.
Từ đây, giảng viên có thể hiểu được năng lực của từng học sinh nhằm đưa ra phương án dạy học phù hợp. Những em mang yếu tố khác biệt, học hỏi nhanh nhạy sẽ có cách rèn luyện các em phát triển vượt bậc hơn nữa. Đây là một mô hình giúp giáo viên có thể hiểu rõ được năng lực của từng học sinh. Theo từng nhóm học sinh khác nhau, giảng viên sẽ có cách đào tạo khác nhau. Mục đích cuối cùng vẫn là giúp các em phát triển bản thân và lĩnh hội kiến thức ở một tầm cao mới.
Bài viết trên của THPT FPT Cần Thơ đã tổng hợp những thông tin về mô hình giáo dục STEM. Ngoài ra quý phụ huynh học sinh có thể tham khảo qua trường THPT FPT Cần Thơ, một trong top 10 trường THPT ở Cần Thơ chất lượng nhất hiện nay với các mô hình giáo dục hiện đại – bao gồm STEM – nhằm giúp các em học sinh có thể tiếp cận được nền giáo dục tiên tiến nhất. Mong rằng sẽ hữu ích với bạn. Cảm ơn các bạn đã theo dõi!