ĐẠO ĐỨC, TRÁCH NHIỆM CỦA HỌC SINH KHI SỬ DỤNG GEN AI
Ngày 23/12/20247 phút đọc
Bùi Thanh Duy1
1Trường Trung học phổ thông FPT Cần Thơ
(Email: duybt5@fe.edu.vn)
Tóm tắt:
Hiện nay, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI) đã mở ra nhiều cơ hội mới cho các lĩnh vực trong đời sống xã hội, trong đó nổi bật là lĩnh vực giáo dục. Các công cụ như ChatGPT, MidJourney, và DALL-E hỗ trợ giáo viên dễ dàng tạo ra các sản phẩm giảng dạy trực quan và thu hút, đồng thời giúp học sinh nhanh chóng tạo ra các sản phẩm học tập hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà Generative AI mang lại, các vấn đề liên quan đến ý thức đạo đức và trách nhiệm của học sinh khi sử dụng công nghệ này, bao gồm an ninh, bản quyền, và thông tin sai lệch, cần được quan tâm đặc biệt. Điều này nhằm đảm bảo việc khai thác Generative AI đúng đắn, phục vụ tối ưu cho mục đích học tập và phát triển của học sinh.
Từ khóa: Generative AI, giáo dục, đạo đức và trách nhiệm.
1. Gen AI là gì
Gen AI là viết tắt của Generative ArtificiaI Intelligence, hay còn gọi là Trí tuệ nhân tạo tạo sinh là trí tuệ nhân tạo có khả năng tạo ra dữ liệu dưới nhiều định dạng như văn bản, hình ảnh, âm thanh dựa trên các tập dữ liệu khổng lồ mà AI được học.
GenAI sử dụng các mô hình ngôn ngữ lớn như Generative Pre-trained Transformer (GPT) và Variational Autoencoders (VAEs) để phân tích và hiểu cấu trúc của dữ liệu mà nó được huấn luyện, cho phép tạo ra các nội dung mới. [1]
2. Lợi ích của Generative AI trong học tập
Tìm kiếm ý tưởng và cảm hứng trong học tập: Một trong những lợi ích của GenAI trong học tập mà chúng ta dễ nhận thấy nhất là khả năng cung cấp những ý tưởng sáng tạo cho các vấn đề trong học tập. Những yêu cầu của giáo viên đối với các bài tập, dự án sẽ được các công cụ GenAI đưa ra những gợi ý đa dạng. Chính từ các ý tưởng được đưa ra, học sinh sẽ có được thêm nhiều cảm hứng để thực hiện bài học của mình.
Tăng cường khả năng sáng tạo: Với những công cụ GenAI sáng tạo về hình ảnh, video, âm nhạc học sinh sẽ được thỏa sức sáng tạo các sản phẩm học tập của mình theo từng phong cách riêng. Nếu trước đây, các bài thuyết trình chỉ dừng lại ở việc có những hình ảnh minh họa thì với GenAI, học sinh hoàn toàn có thể tạo ra những video thậm chí bài hát minh họa chính xác cho từng chủ đề.
Cá nhân hóa việc học: Một học sinh hoàn toàn có thể xác định được phương pháp học tập phù hợp cho bản thân ở các môn học dựa trên năng lực cá nhân thông qua sự hỗ trợ của GenAI. Bên cạnh đó, các công cụ GenAI như một “gia sư” 24/7, có thể hỗ trợ giải đáp mọi thắc mắc của học sinh trong các môn học. [2]
3. Những nguy cơ và vấn đề đạo đức khi lạm dụng Generative AI
Bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận của GenAI trong việc học tập của học sinh thì có những vấn đề liên quan đến đạo đức khi sử dụng GenAI cũng rất cần được quan tâm.
Vi phạm bản quyền và đạo văn: Các công cụ GenAI được huấn luyện trên khối lượng dữ liệu khổng lồ thu thập từ văn bản, hình ảnh và âm thanh trên internet. Khi được học sinh yêu cầu một câu trả lời hoặc nội dung mới, AI không sao chép nguyên văn từ nguồn nhưng có thể tạo ra nội dung rất giống với dữ liệu ban đầu mà không đưa ra những trích dẫn nguồn. Điều này sẽ dễ dàng dẫn đến việc vi phạm bản quyền và đạo nhái.
Ví dụ, nếu ChatGPT được yêu cầu viết một bài về bài thơ, nó có thể sao chép hoặc tóm tắt nội dung từ các tài văn học mà nó đã được đào tạo mà không ghi nhận nguồn gốc. Điều này sẽ vi phạm quyền tác giả của các tác phẩm đó.
Thiếu trung thực trong học tập: Với sự hỗ trợ của GenAI, việc giải quyết những bài tập được giao đối với học sinh trở nên dẽ dàng hơn bao giờ hết. Nhưng thay vì sử dụng công cụ GenAI như một “gia sư” hướng dẫn trong học tập thì không ít học sinh, sinh viên sử dụng hoàn toàn các kết quả thu nhận được từ việc yêu cầu GenAI thực hiện hoàn toàn nhiệm vụ học tập của mình. Học sinh chỉ cần chép lại kết quả của bài luận, dự án đến cả các bài giải toán do GenAI thực hiện mà không cần dành thời gian để đọc hay xem xét lại nội dung.
Chẳng hạn, học sinh dùng ChatGPT để giải một phương trình bậc 2, sau đó ghi lại cách giải và đáp án mà không tư duy tìm cách giải như thế nào.
Lan truyền thông tin sai lệch: Như chúng ta đã biết, GenAI được huấn luyện với nguồn dữ liệu có sẵn. Nếu các dữ liệu này chứa thông tin sai lệch hoặc mang định kiến, kết quả trả về cũng sẽ sai lệch. Bên cạnh đó, các công cụ GenAIcũng có thể tự “sáng tạo” ra những thông tin không có thật cũng như không có khả năng kiểm định tính đúng sai của thông tin. Những điều này ảnh hưởng tiêu cực đến người dùng đặc biệt là đối với học sinh.
Ví dụ, khi hỏi ChatGPT so sánh hai số 13,8 và số 13,11 số nào lớn hơn thì kết qua là số 13,11 lớn hơn số 13,8.
Lệ thuộc vào công nghệ: Các công cụ GenAI mang đến sự tiện lợi khi giúp học sinh hoàn thành bài tập, viết luận hay tìm kiếm thông tin nhanh chóng. Tuy nhiên, sự lạm dụng công cụ này có thể làm giảm khả năng tư duy độc lập và sáng tạo của người học. Thay vì tự nghiên cứu, phân tích và giải quyết vấn đề, học sinh có xu hướng ỷ lại vào AI để có câu trả lời nhanh, điều này cản trở quá trình phát triển kỹ năng tự học và phản biện.
Ví dụ, Câu hỏi: “Đơn vị của lực là gì?” Học sinh hỏi AI thay vì nhớ rằng đơn vị của lực là Newton (N).
Tính bảo mật và quyền riêng tư: Khi người dùng tương tác với các công cụ GenAI, người dùng thường cung cấp thông tin cá nhân hoặc thông tin nhạy cảm có thể bị khai thác nếu không được bảo vệ đúng cách. Bên cạnh đó, việc dễ dàng tạo ra hình ảnh, giọng nói của người khác thông qua các công cụ GenAI cũng là vấn đề đáng lo ngại khi sử dụng các công cụ này.
Công nghệ có tên là Deepfake được quản lý bằng AI có khả năng mô phỏng hình ảnh khuôn mặt con người. Những kẻ lừa đảo giả dạng người thân trong gia đình để mượn tiền, vay tiền, tống tiền.
4. Vai trò của đạo đức khi sử dụng Generative AI
Tự giác và trung thực trong học tập: Những lợi ích của công cụ GenAI trong học tập là điều không cần phải bàn cãi. Nhưng nếu học sinh phục thuộc hoàn toàn vào công cụ này thông qua việc sử dụng kết quả mà nó cung cấp mà không có sự tìm hiểu, mở rộng kiến thức, điều đó sẽ khiến cho học sinh không thể phát triển tư duy độc lập và kỹ năng học thuật cần thiết.
Do đó, người học cần tự giác sử dụng GenAI như một công cụ hỗ trợ chứ không phải là phương tiện thay thế nỗ lực học tập cá nhân. Tính trung thực trong học thuật đòi hỏi người học phải công khai việc sử dụng AI và biết cách sử dụng công cụ này một cách có trách nhiệm để đảm bảo kết quả học tập phản ánh đúng năng lực của mình.
Tôn trọng bản quyền và sự sáng tạo: Khi sử dụng các công cụ GenAI, học sinh cần kiểm tra lại trích dẫn nguồn bằng cách yêu cầu các công cụ phải kèm theo trích dẫn từ các nội dung mà nó cung cấp để đảm bảo được việc tôn trọng bản quyền.
Phát triển tư duy phản biện: GenAI có thể cung cấp thông tin sai lệch hoặc lỗi thời vì nội dung được tạo ra dựa trên dữ liệu đã có. Nếu học sinh không có tư duy phản biện, họ có thể chấp nhận thông tin sai lệch mà không kiểm chứng, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng trong học tập và nghiên cứu. Do đó, phát triển tư duy phản biện sẽ giúp học sinh kiểm tra được tính chính xác của thông tin mà GenAI đưa ra. Đồng thời giúp học sinh nhận ra và đánh giá các yếu tố thiên lệch trong nội dung AI cung cấp.
5. Trách nhiệm của học sinh khi sử dụng Generative AI
Sử dụng AI một cách cân bằng:
Học sinh nên có sự phân bổ hợp lý trong việc sử dụng GenAI, cụ thể như xác định những nội dung học tập nào cần sự hỗ trợ của các công cụ, những nội dung nào học sinh phải tự nghiên cứu hay giải quyết. Quan trọng nhất, mỗi học sinh phải xác định được bản thân sử dụng công cụ GenAI cho việc gì để tránh việc lạm dụng và mất tập trung.
Học cách sử dụng GenAI hiệu quả:
Học sinh tìm hiểu chức năng của nhiều công cụ GenAI để có thể phục vụ được các mục đích học tập khác nhau. Bên cạnh đó, việc viết các Prompt một cách thành thạo cũng là một trong những yếu tố quan trọng để sử dụng công cụ GenAI hiệu quả và chính xác.
Góp phần xây dựng môi trường công nghệ lành mạnh:
Học sinh không nên sử dụng GenAI để tạo ra nội dung độc hại, sai lệch, hoặc gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng như tin giả, nội dung xúc phạm hay không phù hợp.
Kết luận
Việc sử dụng GenAI trong học tập đang mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra những thách thức về đạo đức và trách nhiệm cho học sinh. Học sinh cần sử dụng các công cụ GenAI một cách có ý thức, cân nhắc ranh giới giữa tham khảo và lệ thuộc. Việc lạm dụng GenAI để thay thế nỗ lực học tập có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của tri thức và kỹ năng cá nhân. Do đó, mỗi học sinh cần hành xử có trách nhiệm khi sử dụng các công cụ này để GenAI có thể trở thành một công cụ đắc lực thúc đẩy tri thức và sáng tạo, đồng thời góp phần xây dựng môi trường học thuật công bằng và lành mạnh.
Tài liệu tham khảo:
[1] Yuying li And Jinchi zhu (2024). AN ETHICAL STUDY OF GENERATIVE AI FROM THE ACTOR-NETWORK THEORY PERSPECTIVE. International Journal on Cybernetics & Informatics (IJCI) Vol.13, No.1, February 2024.
[2] Mousa Al-kfairy, Dheya Mustafa, Nir Kshetri, Mazen Insiew and Omar Alfandi. Ethical Challenges and Solutions of Generative AI: An Interdisciplinary Perspective.