CHIẾC BÌNH GIỮ NHIỆT “MÔI TRƯỜNG” K6T1
Ngày 22/12/20247 phút đọc

Cô Huỳnh Thảo Nguyên – GVBM Hoá Học
Bạn Huỳnh Trần Như Ý- Học sinh lớp 10T1
Mô tả: Hiện nay, học sinh thường xuyên sử dụng đồ uống đóng chai, dẫn đến lượng lớn rác thải nhựa thải ra môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Để hưởng ứng chiến dịch môi trường do tổ Tự Nhiên phát động, tập thể 10T1, THPT FPT Cần Thơ đã triển khai sáng kiến ý nghĩa: sử dụng bình giữ nhiệt cá nhân với thiết kế nhỏ gọn, tiện lợi và cá nhân hóa học sinh. Sáng kiến này không chỉ giúp giảm thiểu rác thải nhựa mà còn lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường đến toàn thể học sinh nhà trường.
Từ khóa: chiến dịch môi trường, bảo vệ môi trường, FPT, bình giữ nhiệt.
1. Tác động của rác thải nhựa đối với môi trường
1.1. Thực trạng
Nhựa, với đặc tính tiện lợi, đã trở thành vật liệu được sử dụng rộng rãi trên toàn cầu, dẫn đến sự gia tăng đáng kể về lượng rác thải nhựa trong môi trường. Theo trang Môi trường và Cuộc sống, mỗi năm tại Việt Nam, khoảng 3,2 triệu tấn rác thải nhựa được tạo ra, tương đương với hàng tỷ sản phẩm nhựa như chai, ly, và túi bị thải bỏ sau chỉ 1-2 lần sử dụng [1]. Số liệu từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy lượng rác thải nhựa tại Việt Nam tăng nhanh qua các năm: 1,8 triệu tấn vào năm 2014, 2,0 triệu tấn vào năm 2016, và hiện tại đạt khoảng 3,27 triệu tấn mỗi năm [2].
1.2. Hậu quả
Tình trạng này đã khiến môi trường ngày càng ô nhiễm và xuống cấp nghiêm trọng. Không khí bị ảnh hưởng bởi khói thải từ các nhà máy, dòng sông ngập tràn rác thải, các sinh vật biển phải sống chung với rác nhựa, chịu đựng đau đớn do mắc kẹt hoặc nuốt phải chúng. Trên nền tảng TikTok, nhiều tổ chức và nhóm tình nguyện viên đã nỗ lực dọn dẹp rác ở các con kênh với những quyết tâm cao và đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng, rác thải từ các hộ gia đình lại tiếp tục tích tụ, biến các con kênh trở về trạng thái ô nhiễm ban đầu, khiến công sức của họ trở nên vô ích. Tại Việt Nam, hình ảnh các con đường ngập tràn rác nhựa và chai nhựa không chỉ gây mất mỹ quan mà còn để lại ấn tượng tiêu cực về văn hóa và lối sống đối với du khách. Sự lười biếng và thiếu ý thức vẫn đang là rào cản lớn đối với nỗ lực bảo vệ môi trường.
1.3. Khó khăn và giải pháp
Các chiến dịch và phong trào bảo vệ môi trường khỏi rác thải nhựa đã xuất hiện từ nhiều năm trước, với các thông điệp như “Nói không với đồ nhựa dùng một lần” hoặc “Tái sử dụng đồ nhựa đúng cách”. Những sản phẩm thân thiện môi trường như ống hút tre, ống hút giấy từng gây được tiếng vang lớn, cùng với đó là các phong trào dọn rác hoạt động sôi nổi. Tuy nhiên, hiệu quả của các phong trào này giảm sút dần do chi phí thực hiện cao, mất thời gian và thói quen sinh hoạt của người dân chưa thực sự thay đổi.
Nhận thấy vai trò giáo dục quan trọng, các trường học – nơi truyền tải những giá trị đúng đắn – đã triển khai nhiều cuộc thi, hoạt động và phong trào nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh. Điển hình, tổ Tự Nhiên trường THPT FPT Cần Thơ đã phát động phong trào “Chiến Dịch Môi Trường” với mục tiêu tạo sân chơi bổ ích, khuyến khích lối sống xanh – sạch – đẹp không chỉ cho học sinh mà còn lan tỏa đến giáo viên và các bậc phụ huynh.
1.4. Chiến Dịch Môi Trường
Phong trào “Chiến Dịch Môi Trường” đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ và sự hỗ trợ nhiệt tình từ các thầy cô thuộc các tổ bộ môn và các phòng ban khác. Sự đồng lòng và phối hợp chặt chẽ này đã góp phần tạo nên sức lan tỏa rộng rãi của phong trào. Sự kết hợp với các câu lạc bộ như F-Asoul và Ngõ Nhà Ve đã mang lại những buổi vẽ túi môi trường đầy ý nghĩa, hoặc cùng câu lạc bộ F-Podcast sản xuất video giới thiệu về thùng đựng pin. Ngoài ra, sự hợp tác với tập san Kiến Đọc đã giúp xuất bản những bài viết về môi trường của học sinh và giáo viên, tạo nên sức ảnh hưởng sâu rộng.
Nhận thức được tầm quan trọng của chiến dịch, tập thể lớp 10T1 (K6T1) trường THPT FPT Cần Thơ đã thiết kế và sử dụng những chiếc bình nước giữ nhiệt tập thể, vừa hưởng ứng phong trào, vừa bảo vệ sức khỏe cá nhân và góp phần giữ gìn lá phổi xanh của hành tinh.

2. Chiếc Bình “Môi Trường” – giải pháp thiết thực từ 10T1
2.1. Nguồn gốc ý tưởng
Nhận thức rằng bảo vệ môi trường cần bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất, thầy chủ nhiệm lớp 10T1 – thầy Thạch Thanh Tâm (giáo viên bộ môn Toán thuộc Tổ Tự Nhiên trường THPT FPT Cần Thơ), đã đưa vấn đề lạm dụng đồ uống đóng chai vào nội dung thảo luận tại cuộc họp phụ huynh đầu năm. Với việc sử dụng đồ uống đóng chai gần như hàng ngày, các bạn học sinh không chỉ bị ảnh hưởng về mặt sức khỏe mà góp phần gia tăng rác thải nhựa ra môi trường.
Để giải quyết vấn đề này, thầy Tâm đã khởi xướng phong trào mỗi học sinh lớp 10T1 sẽ sở hữu một bình nước cá nhân, có thể tái sử dụng nhiều lần, an toàn với sức khỏe, và phù hợp để chứa nhiều loại nước. Nhằm tạo thêm hứng thú cho học sinh, thầy đã thành lập nhóm “biệt đội 5 anh em siêu nhân môi trường” với vai trò ban biên tập, nhận nhiệm vụ thiết kế mẫu mã, logo, và tên riêng cho các bình nước. Những chiếc bình này không chỉ là công cụ thực hiện phong trào mà còn trở thành món quà kỷ niệm ý nghĩa cho tập thể lớp 10T1.

2.2. Thiết kế và vật liệu
Chiếc bình giữ nhiệt được làm từ chất liệu thép không gỉ, với nắp bạc và lớp phủ chống trơn trượt bên ngoài, tạo sự tiện dụng và bền bỉ. Thiết kế của bình với màu trắng kết hợp cùng xanh nước biển mang lại giao diện hài hòa và bắt mắt. Trên bình, chữ “K6T1” kết hợp với hình ảnh vương miện biểu tượng cho sự quyết tâm mạnh mẽ, đồng thời tên mỗi học sinh được khắc trên thành bình, thể hiện tính cá nhân hóa của sản phẩm. Thiết kế này được chính các học sinh lớp 10T1 sáng tạo và gửi tới nhà in để sản xuất. Khi những chiếc bình được đưa về lớp, chúng đã thu hút sự chú ý nhờ vẻ ngoài dễ thương và bắt mắt, tạo nên sự hứng khởi trong phong trào.
2.3. Triển khai và lan tỏa
Sau khi thiết kế và chọn mẫu, ban biên tập đã gửi đến nhà in. Sau một khoảng thời gian chờ đợi, 35 chiếc bình đã đến với lớp. Nhằm tạo sự bất ngờ, “biệt đội” này đã chuẩn bị những túi giấy, đặt chiếc bình như một món quà tặng cho cả lớp. Buổi trao quà diễn ra với sự góp mặt của thầy Tâm chủ nhiệm, góp phần ý nghĩa và khích lệ tinh thần tham gia phong trào bảo vệ môi trường của học sinh.
2.4. Cảm nghĩ của tập thể K6T1 về Chiếc Bình “Môi Trường”
– Thầy Thạch Thanh Tâm – giáo viên chủ nhiệm lớp 10T1 chia sẻ: “Thầy cùng tập thể K6T1 cảm thấy tự hào khi cùng nhau lan tỏa lối sống lành mạnh, mang lại sức khỏe tốt cho mọi người và xây dựng thói quen bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ nhất.”
– Bạn Nguyễn Khoa Nguyên – lớp trưởng lớp 10T1 nhắn nhủ: “Mình thấy chiếc bình nước của lớp không chỉ đẹp mà còn mang ý nghĩa sâu sắc, bởi đó là thông điệp bảo vệ môi trường mà chúng mình muốn lan tỏa đến mọi người xung quanh. Nhờ chiếc bình này, chúng mình không chỉ góp phần giảm thiểu rác thải nhựa, mà còn tạo nên một dấu ấn đặc biệt – một “signature” của tập thể K6T1.
– Bạn Phạm Nguyễn Trang Nhã – lớp phó học tập lớp 10T1 kiêm đại diện “biệt đội 5 anh em siêu nhân môi trường” gửi gắm đến các bạn: “Đây là một phong trào cực kì ý nghĩa mà “biệt đội siêu nhân” và thầy chủ nhiệm đã ấp ủ rất lâu. Nó không chỉ mang tính bảo vệ môi trường, mà còn góp phần tạo nên một “màu sắc” riêng đặc biệt của lớp. Mình rất tự hào vì đã chung tay tạo nên một chiến dịch đầy ý nghĩa này, và mình rất mong muốn sẽ mang thông điệp này lan tỏa đến mọi người xung quanh, như những ngôi sao sáng K6T1 chúng tớ đã thực hiện vậy.”

3. Kết luận
Để xây dựng một tương lai với môi trường xanh, sạch và đẹp, ý thức của mỗi cá nhân là yếu tố quyết định. Học sinh, những thế hệ tương lai, sẽ là những người gánh vác trách nhiệm bảo vệ và phát triển đất nước. Lớp 10T1, THPT FPT Cần Thơ, với những hành động thiết thực như hạn chế sử dụng nước uống đóng chai, đã góp phần lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường đến cộng đồng. Các bạn không chỉ là những người thực hiện phong trào, mà còn là đại diện cho một thế hệ trẻ Việt Nam đầy năng động, sáng tạo và thông minh. Hãy cùng nhau, từng bước một, bảo vệ môi trường và xây dựng một tương lai bền vững cho nhân loại.
“Bình nước mang sẵn bên tay,
Chai ly nhựa bỏ, xanh ngay đất trời.
Cùng nhau giữ lấy nụ cười,
Môi trường tươi đẹp, muôn đời bình yên”.
Nguồn tham khảo
[1] Nguyễn, M. Q., & James, B. (2021). Khoa học cộng đồng” trong ứng phó khủng hoảng môi trường: Cơ sở lý thuyết, kinh nghiệm quốc tế và triển vọng ở Việt Nam.
[2] Uyên, Đ. T. H. (2023). Ước tính nhu cầu cải thiện chất lượng xử lý rác thải nhựa của người dân ở miền Bắc Việt Nam.