SỰ PHÁT TRIỂN VÀ ỨNG DỤNG AI Ở HIỆN TẠI
Ngày 28/11/202413 phút đọc
Dương Hoàng Hải Đăng1*
1Trường THPT FPT Cần Thơ
(Email:dangdhhfct31337@gmail.com)
Tóm tắt
Thế giới đã trải qua nhiều cuộc cách mạng công nghiệp với vô số thành tựu và phát minh vĩ đại làm thay đổi cả cuộc sống con người và thế giới xung quanh. Dẫn đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Artificial Intelligence (Trí tuệ nhân tạo AI) là một bước tiến lớn vĩ đại của loài người với vô vàn ứng dụng không thể kể xiết. Cũng vì vậy, nhiều ngành nghề sẽ bị thay thế trong tương lai, những người không biết cải cách, sáng tạo và phấn đấu sẽ bị xã hội đào thải… Đứng trước sự phát triển vượt bậc của văn minh, sự cố gắng cá nhân là vô cùng cấp thiết. Nhưng đại đa số học sinh hiện nay chưa thể nhận thức được vai trò quan trọng và hành động bản thân trong xã hội đang ngày càng hiện đại hoá. Vì vậy, bài viết sẽ làm rõ khái niệm AI, sự phát triển và ứng dụng AI ở hiện tại, từ đó đề xuất ra những lời khuyên hữu ích cho thế hệ bạn đọc cùng năm tháng.
Từ khoá: AI, Phát triển, ứng dụng, hành động.
1. GIỚI THIỆU
1.1. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hệ quả
Cách mạng công nghiệp tính đến hiện nay có 4 giai đoạn, bắt đầu từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất là quá trình chuyển đổi từ sản xuất thủ công sang sản xuất máy móc, diễn ra từ cuối thế kỷ 18 đến giữa thế kỷ 19, bắt đầu ở Anh và lan rộng ra toàn cầu. Đây là một bước tiến lớn trong lịch sử nhân loại, với sự xuất hiện của các công nghệ mới như máy hơi nước, ngành dệt, và luyện kim, góp phần thay đổi nền kinh tế, xã hội và môi trường lao động. Theo The Cambridge Economic History of Modern Britain: “The Industrial Revolution marked a major turning point in human history; almost every aspect of daily life was influenced in some way. Most notably, average income and population began to exhibit unprecedented sustained growth.”(Cách mạng Công nghiệp đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lịch sử loài người; hầu hết mọi khía cạnh của đời sống hàng ngày đều bị ảnh hưởng theo một cách xác định. Đáng chú ý nhất là thu nhập trung bình và dân số bắt đầu cho thấy sự tăng trưởng bền vững chưa từng có) (Floud, R., Humphries, J., & Johnson, P. (Eds.). (2014). The Cambridge Economic History of Modern Britain: Volume 1, Industrialisation, 1700–1870. Cambridge University Press. DOI:10.1017 / CHO9781139815017).
Hiện nay, Nhân loại đang bước sang một cuộc cách mạng công nghiệp mới, đánh dấu sự đột phá vượt trội về công nghệ, kĩ thuật và khoa học – cách mạng công nghiệp 4.0. Sự phát triển này được biểu hiện đáng kinh ngạc từ những thành tựu khoa học: “trí tuệ nhân tạo (AI), robot, mạng lưới vạn vật kết nối internet (Internet of Things) (IoT), phương tiện không người lái, công nghệ in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học vật liệu, lưu trữ năng lượng và máy tính lượng tử” ( Theo Schwab, K. (2017). Cuộc Cách mạng Công nghiệp Lần thứ tư). Có những công nghệ chỉ đang còn trong “trứng nước” nhưng chúng dựa vào nhau, cùng nhau mà phát triển nên những bước ngoặc quan trọng trên nền tảng công nghệ của thế giới vật lí, kĩ thuật số, hoá học và sinh học. Đặc biệt, có một thành tựu được đánh giá là quan trọng, phát triển bậc nhất, là nền tảng cho tất cả, thể hiện một tầm nhìn rộng lớn trong tương lai – Trí tuệ nhân tạo (AI).
1.2. Trí tuệ nhân tạo – định nghĩa và đa dạng hoá phương thức.
Theo Amazon – gã khổng lồ công nghệ hiện đại – cho biết: “Trí tuệ nhân tạo (AI) là lĩnh vực khoa học máy tính chuyên giải quyết các vấn đề nhận thức thường liên quan đến trí tuệ con người, chẳng hạn như học tập, sáng tạo và nhận diện hình ảnh.”( Amazon. (n.d.). What is Artificial Intelligence?. Retrieved from https://aws.amazon.com/vi/what-is/artificial-intelligence)
Các doanh nghiệp nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo thu thập vô số dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, với nhiều kiểu dữ liệu, nhiều công cụ riêng biệt như: Cảm biến thông minh (Cảm biến màu sắc, nhiệt, ánh sáng, quang phổ,…), nội dung do con người tạo, công cụ giám sát và nhật kí hệ thống,… Nhìn chung, Lĩnh vực AI và các nhà sáng tạo đều đang hướng đến một mục đích duy nhất là tạo ra các hệ thống tự học có khả năng nhận diện ý nghĩa của dữ liệu, sau đó áp dụng để giải quyết các vấn đề mới theo một cách tương tự con người. Ví dụ: ChatGPT, Gemini và các loại AI có cùng cách hoạt động như thế đều đang phát triển vượt trội hơn bao giờ hết. Chúng có khả năng biên dịch câu lệnh đầu vào, hiểu được câu lệnh đó và vận dụng kiến thức có trong bộ nhớ đã học để giải quyết vấn đề đưa ra. Nhờ vậy, Nó có thể thực hiện gần như toàn bộ tác vụ cần thiết mà chúng ta không cần phụ thuộc vào một công cụ nào khác. Điều này đánh dấu một tiềm năng rộng mở, một tương lai tốt đẹp về sự phát triển của AI. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những thách thức lớn của con người khi AI đang dần thay thế và đào thải chúng ta trong xã hội hiện đại.
Cùng với xu thế của thế giới và nhu cầu tiêu dùng, từ những loại AI đầu tiên, khai sơ và nguyên thuỷ nhưng đã hoàn thiện đáng kể như ChatGPT mà người ta lần lượt tạo ra các loại phần mềm trí tuệ nhân tạo khác với nhiều công dụng đa dạng, phong phú: Gemini (tìm kiếm thông tin, do Google tạo), Copilot (tạo dựng hình ảnh, do Microsoft tạo), Gamma (tạo bài báo cáo, thuyết trình), Midjourney (Tạo dựng hình ảnh),…Nhưng cụ thể thì công dụng của từng loại được biểu hiện như thế nào, nó được thiết kế và hoạt động ra sao vẫn là điều chúng ta cần phải tìm hiểu sau đây.
2. TÌM HIỀU VÀ NGHIÊN CỨU.
2.1. ChatGPT và OPENAI – Khởi đầu cho kỉ nguyên mới.
2.1.1. OPEN AI – thành tựu quan trọng về trí tuệ nhân tạo.
Trước tình hình trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng phát triển mạnh mẽ, OpenAI đã nổi lên và được biết đến như một trong những tổ chức tiên phong hàng đầu trong việc nghiên cứu và phát triển công nghệ AI nhằm mang lại lợi ích cho toàn nhân loại. Được thành lập với mục tiêu phát triển các hệ thống AI an toàn và có trách nhiệm, OpenAI đã tạo ra nhiều bước đột phá trong lĩnh vực xử lý ngôn ngữ tự nhiên, đặc biệt là sự ra đời của mô hình GPT (Generative Pre-trained Transformer) (Mô hình Transformer tạo sinh được huấn luyện) cùng với nhiều loại AI như Codex, Whisper, CLIP,…. Một trong những ứng dụng tiêu biểu và phổ biến bậc nhất của OpenAI chính là ChatGPT – một loại phần mềm trí tuệ nhân tạo dựa trên mô hình ngôn ngữ GPT-4.
2.1.2. ChatGPT – Cơ hội, thách thức của hiện tại và tương lai.
Một kỉ nguyên mới đã mở ra, thành tựu khoa học một lần nữa sang trang mới, viết lại cách nhìn nhận của cả nhân loại về một công nghệ vượt trội, tiên tiến và thậm chí là nguy hiểm – ChatGPT. Cho đến hiện nay, đa số trí tuệ nhân tạo đều đang trong quá trình xây dựng và từ từ hoàn thiện. Song, ChatGPT được đánh giá là hiện đại và xuất sắc hơn cả. ChatGPT được công bố và ra mắt vào tháng 11/2022 với mô hình GPT-3.5. Tính cho đến thời điểm tháng 10/2024, ChatGPT đã trải qua nhiều lần đổi mới và phát triển đến tận mô hình GPT-4o .
ChatGPT đã tạo ra một tác động lớn vào thế giới của tri thức, thế giới của khoa học và công nghệ. Điều này cũng đặt ra nhiều suy ngẫm, thắc mắc về phương thức hoạt động của phần mềm trí tuệ nhân tạo này. ChatGPT được huấn luyện với lượng dữ liệu khổng lồ được tổng hợp từ nhiều nơi khác nhau như internet, mạng xã hội, sách báo, các bài nghiên cứu khoa học,… Quá trình huấn luyện này giúp mô hình học cách dự đoán từ tiếp theo trong một câu, từ đó nó có thể tạo ra câu trả lời dựa trên ngữ cảnh của câu hỏi. Khi người dùng gửi một câu hỏi hoặc yêu cầu, ChatGPT sẽ dựa vào kiến thức đã học mà phân tích văn bản và xác định ngữ cảnh của câu hỏi. Sau đó, mô hình sử dụng các tri thức từ ngữ và ngữ pháp để hiểu và trả lời hệt như một bộ não độc lập của con người. Tuy nhiên, Trí tuệ nhân tạo này cũng không hề phát biểu thiếu căn cứ mà không có căn cứ, mọi thông tin nó thu thập được sẽ được tổng hợp lại, dựa trên tần suất và độ chính xác mà đưa kết quả tới người dùng. Quá trình này liên quan đến việc lựa chọn từ và cấu trúc câu phù hợp nhất để truyền tải ý nghĩa chính xác. Dẫu vậy, AI này cũng mang nhiều điều đáng sợ khiến các nhà nghiên cứu băn khoăn: nó đang dần có xu hướng không thừa nhận sự thiếu hiểu biết mà đưa ra những thông tin sai lệch, không chính xác, những số liệu và nguồn thông tin “ảo” lừa dối người dùng,…(Theo Báo Tuổi Trẻ https://tuoitre.vn/cang-thong-minh-tri-tue-nhan-tao-cang-thich-giau-dot-20240928083439114.htm ).
2.2. Gemini và Google – cải tiến và phát triển.
2.2.1. Google và định nghĩa khái quát.
Gã khổng lồ công nghệ Google “ra đời vào năm 1998, do Larry Page và Sergey Brin – hai sinh viên đại học Stanford ở California – sáng lập” (Theo Wikipidea https://vi.wikipedia.org/wiki/Lịch_sử_Google). Trải qua hơn 2 thập kỉ, cùng với nhiều đổi mới và sáng tạo, có lúc thăng lúc trầm, Google vẫn đứng vững và khẳng định vị thế của chính mình. Bước sang thời đại công nghệ kĩ thuật số, cùng với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, Công cụ tìm kiếm phổ biến bậc nhất này lại có những thay đổi, cải cách phù hợp, khéo léo, giúp nâng tầm vị thế trên thị trường quốc tế. Dễ thấy nhất đó là sự ra đời của các loại AI do chính Google sáng tạo. Gemini là thành phẩm cuối cùng sau bao lần cải tiến, là kết quả từ sự cải cách thông minh và sáng tạo vượt trội của Google.
2.2.2. Tìm hiểu sơ bộ về Gemini.
Gemini là phần mềm trí tuệ nhân tạo mới nhất từ Google, được xem là bước tiến quan trọng từ mô hình Bard trước đó. Nó được thiết kế với khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp, sử dụng khả năng lập trình, tư duy logic, và sáng tạo nội dung mạnh mẽ.
Mỗi loại mô hình trí tuệ nhân tạo đều sẽ có những ưu nhược điểm khác nhau, nhưng nhìn chung đều vô cùng thông minh và linh hoạt. Đặc biệt, Gemini có những khả năng tuyệt vời, không tách biệt mấy so với những đặc điểm ưu việt của Googe, thiên về khuynh hướng tìm kiếm và hỗ trợ sàng lọc thông tin. Khả năng xử lý tác vụ phức tạp: Gemini Advanced với Ultra 1.0 nổi bật nhờ khả năng xử lý những nhiệm vụ có tính toán cao, như lập trình phức tạp, lý luận sâu sắc, và tạo nội dung sáng tạo. Tích hợp công nghệ đa mô thức: Một trong những mục tiêu chính của Gemini là phát triển khả năng đa mô thức, có nghĩa là mô hình này có thể không chỉ làm việc với văn bản mà còn xử lý hình ảnh, âm thanh và các loại dữ liệu khác. Điều này mở ra tiềm năng lớn cho việc sử dụng trong các ngành như truyền thông, giáo dục, marketing, và nhiều lĩnh vực khác. Hiểu ngữ cảnh hội thoại và tương tác dài hạn: Mô hình Gemini có khả năng duy trì ngữ cảnh trong các cuộc hội thoại kéo dài, giúp tăng cường sự thông minh của phản hồi và làm cho các cuộc tương tác trở nên tự nhiên hơn. Người dùng có thể thảo luận về một loạt chủ đề mà không cần phải nhắc lại những thông tin trước đó, bởi vì Gemini có thể nhớ và hiểu những cuộc hội thoại trước thông qua bộ lưu trữ dữ liệu khổng lồ. Hỗ trợ các tác vụ sáng tạo: Gemini được thiết kế để hỗ trợ những công việc sáng tạo, chẳng hạn như viết nội dung, sản xuất video, và phân tích xu hướng. Nó giúp người sáng tạo tìm ra các ý tưởng mới và tối ưu hóa quá trình sản xuất, từ việc lên ý tưởng cho đến triển khai kế hoạch và sáng tạo nội dung mới. Nâng cao khả năng lập trình: Đặc biệt, với những người làm việc trong lĩnh vực công nghệ, Gemini đóng vai trò như một trợ thủ trong việc lập trình, từ việc viết mã đến đánh giá và sửa chữa lỗi. Nó cũng có thể phân tích các phương pháp tiếp cận khác nhau và đưa ra đề xuất cho các giải pháp tối ưu. Ứng dụng trong giáo dục: Gemini có thể hoạt động như một người gia sư cá nhân, tạo ra các hướng dẫn chi tiết, câu đố mẫu, hoặc những cuộc thảo luận để hỗ trợ phong cách học tập của từng cá nhân. Khả năng này được kỳ vọng sẽ cải tiến cách giáo dục kỹ thuật số, giúp học viên và giáo viên có những công cụ mạnh mẽ hơn để cải thiện chất lượng học tập, góp phần đào tạo ra những nhân tài tương lai, tăng cao sự phát triển của khoa học. Hỗ trợ 40 ngôn ngữ và phát triển toàn cầu: Gemini hỗ trợ giao tiếp bằng hơn 40 ngôn ngữ và đã được triển khai tại hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, giúp mở rộng phạm vi tiếp cận toàn cầu của Google AI, điều này càng dễ dàng khi Gemini do Google tạo ra được tích hợp với google translate – một công cụ dịch thuật tối ưu và hiệu quả. Tích hợp với hệ sinh thái Google: Gemini được tích hợp sâu với các dịch vụ của Google như Google Assistant, Workspace, và các công cụ tìm kiếm khác, mang lại trải nghiệm toàn diện và thuận tiện cho người dùng trong nhiều tình huống sử dụng khác nhau. Phát triển ứng dụng di động: Google đã ra mắt ứng dụng di động cho Gemini, mở rộng khả năng sử dụng AI trên các thiết bị di động, giúp người dùng có thể tiếp cận các tính năng mạnh mẽ này bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, tính năng này vẫn còn là điều hạn chế ở một số dòng điện thoại riêng biệt, chưa thể tiếp cận hoàn toàn vào các thị trường di động trên thế giới. Tính bảo mật và quyền riêng tư: Google cũng chú trọng đến vấn đề an ninh và quyền riêng tư với Gemini. Các quy định về bảo mật thông tin cá nhân và cơ chế bảo vệ quyền riêng tư được xây dựng chặt chẽ, giúp người dùng yên tâm trong quá trình sử dụng AI. Đây cũng là một trong những điểm đột phá của Gemini với ChatGPT; song, trí tuệ nhân tạo chưa bao giờ là hoàn hảo, đôi khi chúng lại vô tình để lộ thông tin cá nhân và gây nên vấn đề bảo mật ở người tiêu dùng trong quá trình tiếp thu kiến thức và dữ liệu. Vậy thì, Gemini không chỉ là sự nâng cấp mà còn là bước tiến đột phá của Google trong việc phát triển trí tuệ nhân tạo, mang lại những khả năng đa dạng và mạnh mẽ hơn cho người dùng cá nhân và doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
2.3. Midjourney và Copilot, đâu là lựa chọn tốt nhất?
Khi AI dần dần chiếm sóng thị trường công nghệ thế giới, Chúng ta – cụ thể là đối tượng học sinh và lao động trí thức – đang ngày càng lạc lối giữa vô vàn các loại trí tuệ nhân tạo khác nhau. Điều gì đã tạo nên sự phong phú vượt bậc như thế? Đó là do nhu cầu cá nhân mỗi người, khi chúng ta phải sử dụng AI để học tập, để làm việc: Khi để tìm kiếm sự giúp đỡ trong học tập, khi để vẽ một sơ đồ hay một dự án, hay để tạo nên bài báo cáo thuyết trình cho một cuộc họp quan trọng,…Chính vì cơn sốt công nghệ này đi kèm với nhu cầu của người tiêu dùng nâng cao mà nhiều loại AI đã ra đời. Hiện nay, có hai trường phái đối lập với những ý kiến trái chiều về hai loại trí tuệ nhân tạo mà mọi người biết đến với chức năng vẽ và tạo nên hình ảnh: Copilot do Microsoft tạo nên và Midjourney do phòng thí nghiệm cùng tên sáng chế.
Copilot do công ty Microsoft của Bill Gates tạo nên dựa trên sự hợp tác với OPENAI nên nó sẽ mang một vài đặc điểm tương đồng với chatGPT. Nó có rất nhiều công dụng khác nhau tính đến thời điểm hiện nay. Ban đầu, Copilot được tạo ra bởi Github – công ty con của Microsoft – với mục đích hỗ trợ trong công tác lập trình và mảng công nghệ thông tin (IT Information Technology). Tuy nhiên, trái ngược là hiện nay đa số các bạn trẻ lại quan tâm đến nó nhiều hơn với tính năng cung cấp và tạo hình ảnh đẹp nhưng hoàn toàn miễn phí, đây cùng là nguyên nhân khiến Copilot trở nên phổ biến trong nhà trường và môi trường lao động trí thức.
MidJourney là một công cụ tạo hình ảnh sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), được phát triển để giúp người dùng tạo ra những hình ảnh sáng tạo và độc đáo dựa trên các mô tả bằng văn bản (text-to-image). MidJourney nổi bật với khả năng tạo ra các hình ảnh nghệ thuật phong phú, mang đậm tính cá nhân hóa, phục vụ cho nhiều mục đích từ thiết kế đồ họa, nghệ thuật kỹ thuật số đến minh họa cho các dự án sáng tạo. Công nghệ này tương tự như các công cụ AI khác như DALL-E của OpenAI, nhưng mỗi công cụ có phong cách và cách tiếp cận riêng. MidJourney thường được biết đến với khả năng tạo ra các hình ảnh có độ chi tiết cao, màu sắc phong phú, và đôi khi có phong cách siêu thực (surrealism). Người dùng có thể tương tác với công cụ thông qua nền tảng Discord, bằng cách nhập mô tả và nhận lại các hình ảnh được AI tạo ra dựa trên những mô tả đó. MidJourney dần dần trở thành một công cụ phổ biến được ưa thích trong cộng đồng thiết kế và nghệ thuật nhờ khả năng truyền tải ý tưởng một cách trực quan và sinh động, giúp các nghệ sĩ và nhà thiết kế tiết kiệm thời gian và mở ra những ý tưởng sáng tạo mới.
Midjourney và Copilot cả 2 đều có những điểm khác biệt rõ ràng, riêng biệt của chính bản thân chúng. Nhưng nhiều bạn trẻ hiện nay lại phân vân khi quyết định sử dụng loại nào trong việc thiết kế đồ hoạ hay công nghệ lập trình. Nhìn chung, nếu bạn là một người mới bắt đầu sử dụng AI và ít sử dụng chúng trong công việc thì Copilot với những tính năng hoàn toàn miễn phí sẽ là lựa chọn an toàn và cần thiết. Ưu việt gấp bội khi trí tuệ nhân tạo Copilot còn có những tính năng mở rộng, nâng cao vô cùng phong phú: Hỗ trợ viết và sửa lỗi lập trình, tìm kiếm các thông tin tương tự ChatGPT và Gemini, tạo nên các bài thuyết trình báo cáo với đồ hoạ tương đối đẹp,… Song, nếu bạn là một chuyên gia thiết kế đồ hoạ, làm những công việc nghệ thuật chuyên nghiệp thì Midjourney sẽ là lựa chọn tối ưu nhất mà bạn có thể tìm đến. Nó được tạo ra và dồn hết tinh tuý vào một mục đích duy nhất: Tạo nên những hình ảnh đẹp, độc đáo, sinh động với phong cách siêu thực. Điều đáng kinh ngạc là loại trí tuệ nhân tạo này được đánh giá là công cụ tạo hình ảnh tốt nhất thế giới hiện nay, khi vẫn là tâm điểm, là sự nổi bật giữa vô vàn các loại AI đa dạng và phong phú.
2. TỔNG KẾT VÀ ĐÔI LỜI GỬI GẮM.
Các loại trí tuệ nhân tạo ra đời mang theo nhiều ngành nghề mới phát sinh, mang lại cơ hội việc làm, phát triển bản thân cho giới trẻ hiện nay. Đồng thời, đây cũng là cơ hội mở ra những thành tựu khoa học mới, kế thừa hoàn mỹ những tinh hoa của thế hệ đi trước thông qua AI để có thêm những tiến bộ vượt bậc sau này. Tuy nhiên, cơ hội luôn mở ra cùng với nhiều thách thức và khó khăn khác nhau. Cái gì nhiều quá cũng không tốt, AI cũng vậy. Khi con người quá phụ thuộc, dựa dẫm vào AI thì chúng ta sẽ dần thui chột đi bản năng vốn có, giảm đi khả năng tư duy, suy nghĩ – thứ vốn là điểm mạnh giúp con người là sinh vật đứng đầu chuỗi thức ăn. Ngoài ra, những cỗ máy thông minh ấy xuất hiện còn làm biến mất một số ngành nghề quan trọng, đông nhân lực, phủ sóng ở các lĩnh vực xã hội như: nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Những nguồn nhân lực bị đào thải không có đủ kiến thức và nền móng vững chắc sẽ đi đâu, làm gì hay trở thành bộ phận những người thất nghiệp trong xã hội ồn ào náo nhiệt hiện nay – đó đều là lựa chọn của bản thân chúng ta. Bài nghiên cứu đã chỉ ra những điểm vượt trội, tiện ích đi kèm với rủi ro, nguy cơ của trí tuệ nhân tạo hiện nay. Việc đứng yên một chỗ, trải qua một cuộc đời như bao cuộc đời khác, để rồi bị đào thải ra phần rìa của xã hội hay là cố gắng phát triển từng ngày, vượt bậc và xuất sắc để nắm lấy cơ hội thời đại đều do chúng ta chọn lựa.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Floud, R., Humphries, J., & Johnson, P. (Eds.). (2014). The Cambridge Economic History of Modern Britain: Volume 1, Industrialisation, 1700–1870. Cambridge University Press. DOI:10.1017 / CHO9781139815017).
[2] https://aws.amazon.com/vi/what-is/artificial-intelligence/
[3] https://tuoitre.vn/cang-thong-minh-tri-tue-nhan-tao-cang-thich-giau-dot-20240928083439114.htm
[4] https://vi.wikipedia.org/wiki/Lịch_sử_Google [5] Hunt, E. B. (2014). Artificial intelligence. Academic Press.