(0292) 7309 339
[email protected]

Tìm kiếm

Khai mạc Hội thảo FPT Educamp 2024 chủ đề “Tổ chức và Quản trị việc tự học”

Ngày 11/12/20248 phút đọc

Sáng ngày 08/12, Hội thảo FPT Educamp 2024 đã khai mạc với chủ đề “Tổ chức và Quản trị việc tự học”. Hội thảo có sự tham gia của 2 diễn giả phiên toàn thể là GS. TS Thầy Huỳnh Văn Sơn (Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP. HCM), TS. Thầy Lê Trường Tùng (Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH FPT, Tập đoàn FPT), cùng 49 báo cáo viên/ nhóm báo cáo viên và khoảng 300 người là những chuyên gia giáo dục, cán bộ, giảng viên và lãnh đạo từ mảng giáo dục FPT tham dự.

Lãnh đạo, CBGV các đơn vị thuộc mảng giáo dục FPT, Tập đoàn FPT check-in tại hội thảo

Tại buổi khai mạc hội thảo, TS. Thầy Lê Trường Tùng chia sẻ về lý do FPT Educamp ra đời và được tổ chức thường niên. Đặc trưng của hội thảo được duy trì qua các năm như quy tắc hai chân, tinh thần kết nối, chia sẻ và chuyển đổi. Đồng thời, thầy cũng điểm lại một số chủ đề nổi bật của FPT Educamp gần đây và sự tác động tích cực của hội thảo đối với sự tiến bộ, phát triển của mảng giáo dục Tập đoàn FPT. Từ đó, Thầy Lê Trường Tùng bày tỏ sự kỳ vọng đối với sự ảnh hưởng FPT Educamp 2024 với chủ đề “Tổ chức và quản trị việc tự học” đối với cơ bản hoạt động giáo dục tại mảng giáo dục Tập đoàn FPT trong thời đại AI.

TS. Lê Trường Tùng phát biểu khai mạc hội thảo FPT Educamp 2024

Ngay sau lễ khai mạc là hai phiên toàn thể của FPT Educamp được diễn ra. Năm nay, phiên toàn thể của FPT Educamp có sự tham gia của 2 diễn giả là GS. TS. Thầy Huỳnh Văn Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP. HCM với chia sẻ “Chiến lược tạo động lực cho việc học”, TS. Thầy Lê Trường Tùng – Chủ tịch hội đồng trường Trường Đại học FPT, Tập đoàn FPT với chia sẻ “Tự học trong bối cảnh Gen AI”. Những chia sẻ này đã đem đến nhiều kinh nghiệm giá trị cùng các thông tin thú vị và hữu ích cho người tham dự.

GS. TS. Thầy Huỳnh Văn Sơn đã đem đến một phần chia sẻ vừa thú vị vừa hào hứng với chủ đề “Chiến lược tạo động lực cho việc tự học”. Thông qua lần lượt 7 hoạt động tương tác, GS. TS. Huỳnh Văn Sơn đã giúp hơn 300 khán người tham dự tại phiên toàn thể FPT Educamp 2024 tìm hiểu 3 nội dung chính: Khái quát về động lực và tự học của người học trong bối cảnh mới, một số lý thuyết về tạo động lực cho việc tự học và một số biện pháp và công cụ tạo động lực cho việc tự học.

Thầy cũng giới thiệu về một số lý thuyết về tạo động lực tự học như: Lý thuyết về nhu cầu của Maslow, Học thuyết tăng cường tích cực, Học thuyết kỳ vọng, Thuyết nhu cầu học tập của McClellan… Đặc biệt, Thầy còn nhấn mạnh một số cách thức tạo động lực tự học cho người học trong bối cảnh mới, với mong muốn các thầy cô, cán bộ có thể có những phương thức mới để nâng cao hiệu quả của việc tạo động lực.

GS. TS. Huỳnh Văn Sơn đã giúp người tham dự đã nắm được những đặc điểm cơ bản nhất của tự học: khái niệm tự học, vai trò của tự học, nguyên tắc tạo động lực tự học cho người học…

Bên cạnh đó, thầy Lê Trường Tùng cũng nhấn mạnh thời đại hiện nay “đã qua đi mô hình giáo dục học một lần dùng suốt đời”, mà học tập suốt đời đã trở thành xu hướng toàn cầu với những đặc điểm chính như: sử dụng ít những gì học trong nhà trường, Kinh tế tri thức thay đổi theo hàm mũ, Kiến thức mới – Công nghệ mới – Công việc mới, Học tập trở thành nhu cầu thường xuyên – Học tập suốt đời… Chính bởi vậy “tự học” trở thành yêu cầu bắt buộc của con người để phát triển và thích nghi trong xã hội mới.

Trên nền tảng đó, TS. Lê Trường Tùng nhấn mạnh, từ khi thành lập, mảng giáo dục Tập đoàn FPT đã đề cao vai trò của tự học, thể hiện ở triết lý “Giáo dục đào tạo là việc tổ chức và quản lý việc tự học của người học”. Nhiều năm qua, CBGV FPT luôn chú trọng hiện thực hóa triết lý ấy trong tất cả các hoạt động giáo dục đào tạo mà gần đây nhất là việc ứng dụng nền tảng Edunext cùng phương pháp học tập kiến tạo trong giảng dạy và học tập. Phương pháp này có đặc trưng là thầy cô đặt ra câu hỏi kiến tạo và học sinh, sinh viên, học viên sẽ tự nghiên cứu, làm việc nhóm, thuyết trình và phản biện trong môi trường giao tiếp nhóm và giữa các nhóm với nhau.

Tuy vậy, việc triển khai phương pháp học tập kiến tạo trong thời đại Gen AI có thể sẽ gặp nhiều thuận lợi nhưng cũng không tránh khỏi một số khó khăn khi việc tìm kiếm thông tin trở nên quá dễ dàng, và hiệu quả của việc tự học phụ thuộc rất nhiều vào sự tự ý thức của người học, thầy cô cũng cần sự nhạy bén để đánh giá đúng khả năng, năng lực của người học. Tuy nhiên, không thể phủ nhận tự học và Gen AI sẽ là tương lai của việc học tập với những đặc điểm đặc trưng và con người cần phải thay đổi để thích nghi với nó: AI Transformation – Gen AI sẽ tác động mạnh mẽ đến giáo dục, Prompt Engineering – Học cách tương tác hiệu quả với AI, Kiểm tra đánh giá – Cần thay đổi cách kiểm tra, đánh giá, Bài tập về nhà – Thay đổi cách giao bài tập về nhà.

TS. Lê Trường Tùng trong phần chia sẻ về chủ đề “Tự học trong bối cảnh Gen AI”

Tại phiên tham luận cá nhân, các báo cáo viên tại FPT Educamp 2024 đã mang đến những chia sẻ thiết thực về việc ứng dụng AI trong giáo dục, đặc biệt trong việc hỗ trợ tự học và cá nhân hóa học tập. Các báo cáo viên mang đến những tham luận liên quan đến các lý thuyết, mô hình và thực tiễn về việc tự học. Trong đó có những tham luận đáng chú ý như: “Ứng dụng mô hình “Thiết kế phổ quát trong Giáo dục” trong tổ chức và quản trị việc tự học của học sinh”, “Theo đuổi mục tiêu đến cùng với 4Dx”, hay “Lớp học không tường”…

Đặc biệt có thể kể đến bài báo cáo Ứng dụng mô hình “Thiết kế phổ quát trong Giáo dục” trong tổ chức và quản trị việc tự học của học sinh. Đây là tham luận được chia sẻ bởi báo cáo viên cô Lê Đoàn Mai Khanh, Trường Phổ thông FPT Cần Thơ. Theo chia sẻ của báo cáo viên, bối cảnh xã hội hiện tại với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo đã tạo điều kiện cho học sinh có thể hòa nhập với thế giới, đa dạng cơ hội trong học tập và công việc. Tuy nhiên bối cảnh này khiến học sinh cần có kỹ năng tự học và học tập suốt đời để không ngừng phát triển, người dạy cần tổ chức việc tự học một cách hiệu quả thay vì cung cấp lượng thông tin như nhau cho toàn bộ học sinh. Để quản trị việc tự học đòi hỏi nhà giáo dục cần thiết kế chương trình giảng dạy phù hợp.

Chính bởi vậy, ở tham luận này, báo cáo viên cô Lê Đoàn Mai Khanh đã giới thiệu về mô hình Thiết kế phổ quát trong giáo dục (Universal Design for Learning – UDL), mô hình phát triển dựa trên ba yếu tố: khả năng tiếp cận, tính đa dạng và môi trường lớp học mang tính hỗ trợ, vốn được áp dụng rộng rãi trong việc thiết kế dạy và học tại các nước phát triển trên thế giới. Chia sẻ chi tiết tại hội thảo, báo cáo viên Lê Đoàn Mai Khánh cho biết, việc đưa bài giảng cùng một cách thức cho tất cả người học không phải sự lựa chọn tối ưu, bởi có người học phù hợp với cách thức đó nhưng chắc chắn sẽ có người không phù hợp. Vậy nên tìm kiếm một chương trình đào tạo giúp tất cả học sinh có thể tiếp cận được dù các bạn có khác biệt như thế nào là việc mà tất cả các giáo viên đang thực hiện.

 “Thiết kế phổ quát trong giáo dục” là một mô hình có thể đáp ứng được điều ấy. Để làm được điều đó, yếu tố cốt lõi của UDL chính là thu hút, đại diện hóa, hành động và biểu đạt, được thực hiện trên 3 nguyên tắc cơ bản: Đa dạng loại nội dung, Đa dạng phương pháp học tập và Đa dạng hình thức tham gia. Đồng thời tham luận cũng đưa ra các căn cứ để ứng dụng mô hình này trong việc tổ chức và quản trị việc tự học của học sinh dựa trên các nghiên cứu khoa học não bộ về cách tiếp nhận thông tin của học sinh và đề cập đến tính khả dụng khi áp dụng UDL trong bối cảnh các trường phổ thông FPT.

Cô Mai Khanh giới thiệu về mô hình Thiết kế phổ quát trong giáo dục (Universal Design for Learning – UDL)

Bên cạnh đó, phần chia sẻ của nhóm báo cáo viên là những thầy cô Trường Phổ thông Cần Thơ (gồm thầy Nguyễn Bá Huy, thầy Nguyễn Minh Mẫn, cô Mai Thị Thanh Bình), từ đầu năm học 2024 – 2025, các thầy cô đã sử dụng tài liệu học tập tích hợp AI, hỗ trợ tự học trong ôn thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ Văn theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 cho học sinh khối 12 của trường. Cô Thanh Bình cho biết, trong quá trình sử dụng AI thiết kế tài liệu tự học, các thầy cô đã tiến hành xác định và xây dựng nội dung; dùng Napkin AI để vẽ sơ đồ tư duy; dùng Invideo AI để xây dựng các video hướng dẫn, giảng giải kiến thức; sau đó dùng Briskteaching AI xây dựng các câu hỏi đánh giá, kiểm tra.

Qua khảo sát, hơn 80% học sinh nhận thấy, các nội dung được tạo ra từ AI mang đến những trải nghiệm tốt trong học tập Ngữ văn. Giáo viên và AI làm việc cùng nhau để cải thiện trải nghiệm học tập, AI giúp tối ưu hóa quy trình giáo dục và nâng cao năng suất, đồng thời thu hút sự quan tâm của học sinh trong việc học.

Các giáo viên Trường THPT FPT Cần Thơ chia sẻ về việc ứng dụng AI trong giảng dạy. 

Thời gian qua, những ứng dụng AI phổ biến đã và đang được các cán bộ, giảng viên, giáo viên FPT ứng dụng trong giảng dạy như: Chat GPT, chatbot tích hợp AI, các nền tảng hỗ trợ học tập có ứng dụng AI như kỹ thuật phần mềm, thiết kế đồ họa, phương pháp học tập kiến tạo xã hội trên nền tảng Edunext, hay các môn học cụ thể là Tiếng Anh, Lịch sử, Toán học, STEM và Robotics…

Cô Trương Minh Phương là một trong những báo cáo viên của Hội thảo FPT EduCamp chia sẻ:” Tại FPT Educamp năm nay, em ấn tượng nhất với sự đa dạng và chất lượng của các tham luận. Đặc biệt, các tham luận về việc ứng dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo trong việc tự học đã thu hút sự chú ý của em. Những tham luận này không chỉ mang tính thực tiễn cao mà còn mở ra nhiều hướng đi mới cho việc tự học trong bối cảnh hiện đại. FPT Educamp năm nay đem lại cho em rất nhiều cảm xúc. Từ hai bài báo cáo đầy cảm hứng của các keynote speakers, đến các phiên thảo luận sôi nổi và những hoạt động giao lưu, tất cả đều mang lại cho em một trải nghiệm tuyệt vời. Em cảm thấy mình được truyền động lực và cảm hứng để tiếp tục nghiên cứu tìm tòi những công cụ AI để có thể hỗ tổ chức và quản trị việc tự học cho học sinh của mình.”

Co Trương Minh Phương nhận giấy chứng nhận khi trở thành báo cáo viên về “Quy trình ứng dụng các công cụ AI trong việc nâng cao khả năng tự học của học sinh”

Hội thảo FPT Educamp 2024 đã khép lại thành công tốt đẹp, để lại nhiều cảm xúc và giá trị đáng nhớ. Xin gửi lời cảm ơn chân thành đến các diễn giả chính, các báo cáo viên và toàn thể thầy cô đã dành thời gian tham gia và đóng góp ý kiến quý báu. Những chia sẻ sâu sắc, những ý tưởng giáo dục đổi mới không chỉ truyền cảm hứng mà còn mở ra nhiều giải pháp thiết thực để ứng dụng trong công tác giảng dạy. Hy vọng rằng, những kiến thức và kinh nghiệm quý giá được trao đổi tại hội thảo sẽ giúp các thầy cô giảm bớt áp lực trong việc giảng dạy, đồng thời thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới trong từng bài học.

Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh

Đăng ký (có thể chọn nhiều nhu cầu) *

Kết nối với chúng tôi

Địa chỉ

Số 600, Khu vực 6, đường Nguyễn Văn Cừ (nối dài), Phường An Bình, Quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

Điện thoại

Phòng tuyển sinh: (0292) 7309 339
Phòng quản lý đào tạo: (0292) 2222 204
Phòng công tác học sinh: (0292) 2222 205

E-mail

Phòng tuyển sinh: [email protected]
Phòng quản lý đào tạo: [email protected]
Phòng công tác học sinh: [email protected]

Xem Thêm

Tuyển dụng
Liên hệ

Ⓒ 2024 All right reserved.Built by besoft.vn