Lớp học nghệ thuật Đàn Bầu – Loại nhạc cụ dân tộc được thầy trò trường F theo đuổi
Ngày 10/05/2022 | 355 lượt xem
Ngồi gảy đàn, thả hồn vào những thanh âm réo rắt, giữa không gian nên thơ thế này bảo sao học sinh trường THPT FPT không thầm yêu bộ môn nhạc cụ dân tộc Đàn Bầu!
Lớp học Nghệ thuật Đàn bầu là một trong những lớp học nghệ thuật được mở và giảng dạy tại Trường THPT FPT Cần Thơ bao gồm các môn: đàn tranh, đàn bầu, sáo, guitar, vẽ, yoga… Việc kết hợp giữa thực hành và lý thuyết giúp các bạn học sinh hào hứng và tích cực tham gia các lớp học Đàn bầu – bộ môn thổi hồn gợi nhắc lại truyền thống dân tộc.
Không gian lớp học nhạc cụ khang trang, bày biện những chiếc đàn xinh xắn. Được biết, hiện tại lớp học có khoảng 10 bạn học sinh, mặc dù bận rộn với việc học trên lớp nhưng các bạn vẫn dành thời gian tham gia lớp học đầy đủ, bạn nào cũng rất chịu khó, chuyên cần và siêng năng.
Lớp học Nghệ thuật Đàn bầu sẽ được bắt đầu lúc 15:00 thứ ba hàng tuần để các bạn có cơ hội học tập với thầy cô ngoài những giờ học chính khóa. Các bạn học sinh có thể đến lớp học để luyện tập thêm, nâng cao những kỹ năng chơi nhạc cụ.
Với kinh nghiệm 2 năm giảng dạy lớp học Đàn bầu tại trường THPT FPT Cần Thơ, cô Lê Thị Bích Trâm chia sẻ: “Cô quan niệm mình là người Việt Nam thì trước tiên cô thấy việc đưa nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình vào dạy ở một trường phổ thông như thế này rất là hay. Bởi vì thường những nhạc cụ như piano hay guitar – nhạc cụ phương Tây sẽ phổ biến hơn nhạc cụ dân tộc.”
Ngoài ra cô còn chia sẻ thêm góc nhìn về tầm quan trọng của nhạc cụ Đàn Bầu: “Đàn bầu được cho là nhạc cụ duy nhất có nguồn gốc từ Việt Nam, mang nét đặc trưng của Việt Nam mình nên là đàn bầu được đưa vào lớp dạy học như vậy thì cô rất là quý, rất là vui luôn”. Vui hơn nữa là khi “Các bạn học sinh học rất nhiệt tình và chăm chú nên niềm đam mê của cô nhiều hơn và máu nghề của cô càng nồng nhiệt để truyền dạy cho các bạn.”
Còn sau đây là một vài cảm nhận của các bạn học sinh sau khi tham gia lớp học nghệ thuật Đàn bầu: “Em thích giai điệu của nhạc cụ Đàn bầu, nó rất là nhẹ nhàng và trầm, đem đến cảm giác thoải mái khi tự tay mình đánh lên mỗi khúc nhạc, lúc đó em thấy rất sung sướng”. Em Võ Khánh Băng, lớp 10A3 chia sẻ.
Em học sinh khác chia sẻ: “Dạ em thấy học đàn bầu rất là vui, nhẹ nhàng chứ không cần phải năng động như nhảy hiện đại, chỉ cần ngồi tập và đơn giản thôi nhưng mình vẫn thấy được cái hay của nó. Em còn được biết thêm về lịch sử của đàn bầu, em cũng như về những cách đàn và làm sao để cho ra một bài nhạc hay.”
Chia sẻ về cô giáo giảng dạy lớp học nghệ thuật Đàn bầu, các bạn vui vẻ: “Dạ cô giáo rất là dễ thương, gần gũi với học sinh. Cô dạy cho tụi em nhiều hay về đàn bầu này, làm cho tụi em rất là thích môn này.”
Còn đây là một vài lời nhắn nhủ đến các bạn có ý định tham gia lớp học: “Em muốn nói là nếu các bạn có niềm đam mê với đàn bầu thì hãy thử sức chứ đừng ngần ngại ạ.” Em Trần Ngọc Linh, lớp 10A7 chia sẻ.
Một số chia sẻ khác: “Em mong là các bạn sẽ luôn cố gắng để phát huy khả năng của mình và sẽ luôn yêu thích môn nghệ thuật này.
Nhạc cụ dân tộc Đàn bầu – một phần trong lớp học nghệ thuật có lẽ là trải nghiệm lý thú mà nhiều bạn trẻ muốn một lần được thử. Vượt qua giới hạn một môn học với những bài tập, bài thi cuối kỳ, nhạc cụ dân tộc Đàn bầu trở thành đam mê của nhiều học sinh vì sự nhẹ nhàng, thanh thoát toát lên vẻ đẹp truyền thống của dân tộc.
Học sinh THPT FPT khi tốt nghiệp sẽ trở thành những sinh viên, những bạn trẻ vươn tầm ra thế giới. Các bạn có thể giao tiếp bằng tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Trung… nhưng vẫn còn một ngôn ngữ chung nữa là Âm nhạc. Đó là con đường dẫn đến trái tim rất nhanh và giúp các bạn tự tin hơn cùng với vốn hiểu viết và trí tuệ của mình. Và điều tuyệt vời là các bạn đem văn hóa truyền thống của dân tộc đến gần hơn với thế giới – Bộ môn nghệ thuật nhạc cụ Đàn Bầu.